Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Ám ảnh tai biến do nâng ngực

Bộ Y tế cấm sử dụng silicon trong làm đẹp cách đây 25 năm nhưng đến nay vẫn còn một số cơ sở “chui”, người chích dạo lén lút thực hiện

Sau một thời gian yên ắng, tình trạng tai biến trong phẫu thuật nâng ngực làm đẹp lại rộ lên. Nạn nhân mới nhất là một phụ nữ trẻ tại Hà Nội với phần ngực bị tím đen sau ngày thứ 10 nâng ngực tại một bệnh viện (BV) thẩm mỹ trên địa bàn.

Mất đôi “gò bồng đảo”

Tại TP HCM, tình trạng này cũng không phải hiếm. Ca mới nhất được BV Thẩm mỹ JW Hàn Quốc tiếp nhận can thiệp cứu chữa là chị N.T.L (34 tuổi, ngụ Cần Thơ), nhập viện với tình trạng ngực nổi nhiều cục cứng, đau đớn. Qua thăm hỏi bệnh sử, cách đây 2 năm, chị L. được một cơ sở thẩm mỹ không rõ địa chỉ tiêm chất mỡ nhân tạo làm lớn ngực. Tuy nhiên, sau đó ngực xuất hiện những cục cứng, đau và khó chịu. Trong quá trình can thiệp, các bác sĩ đã nạo ra rất nhiều cục silicon vón cục nhưng không thể nạo sạch nhiều hạt nhỏ xâm nhập cơ thể.

Một trường hợp khác bị cắt mất đôi “gò bồng đảo”, tính mạng đang bị đe dọa là bà N.T.V (52 tuổi, ngụ TP HCM). Bà V. chỉ làm công việc nội trợ. Trước đây, thấy ngực mình có dấu hiệu chảy xệ, cảm thấy mất tự tin mỗi khi ra đường nên bà quyết định làm mới. Tại một spa, bà được nâng ngực bằng cách bơm silicon nhưng chỉ sau một thời gian ngắn thì bộ ngực đã bị hoại tử, biến dạng.

Bà đến BV Trưng Vương (TP HCM) điều trị, các bác sĩ phát hiện tình trạng di chứng ở ngực của bà đã quá nặng, silicon đã chảy vào 2 bên vú và lan xuống phía dưới vùng bụng. Bà V. phải chịu cắt toàn bộ 2 mô tuyến vú có lẫn silicon, cắt bỏ những vùng da bị tổn thương và nạo lấy silicon ở vùng bụng.

Tuy nhiên, nỗ lực của bác sĩ chỉ giảm thiểu lượng silicon trong cơ thể chứ không thể lấy hết vì chất này đã lan tỏa nhiều nơi trên cơ thể. “Không chỉ mất tuyến vú, lượng silicon còn lại trong cơ thể nếu tiếp tục gây phản ứng nặng thì bệnh nhân còn phải trải qua một lần mổ nữa” – TS-BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng Khoa Bỏng tạo hình BV Trưng Vương, cho biết.

TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc BV Thẩm mỹ JW Hàn Quốc, nói rằng qua nhiều năm trong nghề, ông không nhớ đã can thiệp bao nhiêu ca bị biến chứng do silicon, chỉ biết bệnh nhân hầu hết là nạn nhân của những người bơm chích dạo. Số bệnh nhân này nói là họ được bơm bằng mỡ nhân tạo nhưng thực chất là silicon lỏng.

Ám ảnh tai biến do nâng ngực - Ảnh 1.

Silicon vón cục lấy ra từ ngực nạn nhân

Vỡ túi độn mà không biết

Khi nạn nhân do bơm silicon ngày càng nhiều thì tai nạn do vỡ túi độn ngực cũng không còn là chuyện lẻ tẻ. TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung cho biết trường hợp mới nhất ông cùng đồng sự cứu chữa là bệnh nhân T.T.N, đến từ Hà Nội, bị lệch vú sau khi độn túi nâng ngực. Cách đây 1 năm rưỡi, chị N. đi nâng ngực tại một cơ sở ở Hà Nội. Sau khoảng 1 tháng thì ngực biến dạng – bên to bên nhỏ – và thường đau âm ỉ ở ngực trái. Vào TP HCM, chị được các bác sĩ cho biết túi nâng ngực đã vỡ và gây mất cân xứng chứ không phải co thắt bao xơ. Bệnh nhân được mổ thay lại túi và sau mổ, ngực cân xứng tự nhiên, không còn đau như trước. Theo bác sĩ Tú Dung, có thể khi nhét túi nâng ngực vào, do thao tác không cẩn thận nên túi bị rách mà không biết.

Làm sao nâng ngực an toàn?

Theo các chuyên gia, trên thị trường không hề có mỡ nhân tạo mà đó chỉ là silicon dạng lỏng. Đây là chất đã bị ngành y tế cấm dùng trong phẫu thuật thẩm mỹ từ năm 1992 do thường xảy ra nhiều biến chứng. Tuy nhiên, một số cơ sở chích dạo không phép vẫn lén lút sử dụng vì giá rẻ.

Theo bác sĩ Khanh, điều đáng lo lắng nhất hiện nay là nhiều người có trình độ học vấn cao nhưng vẫn bị “sập bẫy” khi được làm đẹp bằng silicon để rồi bị biến chứng phải nhập viện cấp cứu.

Bác sĩ Tú Dung khuyến cáo phẫu thuật nâng ngực là cuộc mổ lớn vì vậy phải thực hiện trong BV có chuyên khoa thẩm mỹ, khoa gây mê hồi sức. Bệnh nhân phải được kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi phẫu thuật, những người bị các bệnh lý tim mạch nặng, đái tháo đường thì hạn chế tối đa nâng ngực. Phải tìm hiểu và được bác sĩ phẫu thuật cho mình tư vấn trực tiếp về những nguy cơ, biến chứng có thể có. Tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ túi ngực, thời gian bảo hành rõ ràng. Bệnh nhân cần theo dõi kỹ trong 48 giờ đầu sau mổ để bảo đảm an toàn về gây mê cũng như chảy máu sau mổ, tuân thủ quy định chăm sóc hậu phẫu và tái khám định kỳ. Nếu nhận thấy các dấu hiệu bất thường sau mổ như: ngực sưng to, đau nhiều, bên to bên nhỏ, ngực cứng… thì phải gặp bác sĩ để được thăm khám ngay.

Theo Bộ Y tế, tại TP HCM, mỗi năm có khoảng 5.000 phụ nữ thực hiện phẫu thuật nâng ngực; các tỉnh, thành phố khác chưa có thống kê nhưng ước tính nhu cầu này là không nhỏ.

>>> Nguồnhttp://ift.tt/2qvOpir

The post Ám ảnh tai biến do nâng ngực appeared first on Nâng Mũi Cấu Trúc.



from Nâng Mũi Cấu Trúc http://ift.tt/2sc83Nl
via IFTTT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét